Hoạt động chính trị Tôn_Đức_Thắng

Thời trẻ

Năm 1912, ông tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy bị sa thải. Năm 1913, ông sang Pháp làm công nhân ở Toulon (Pháp). Năm 1914, ông được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết tại Hắc Hải (ngày 20 tháng 4 năm 1919), treo cờ đỏ trên một thiết giáp hạm của Pháp tại đây để ủng hộ Cách mạng Nga.[1]

Năm 1920, ông về nước, xây dựng cơ sở công hội (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925, quyết tâm trì hoãn việc sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp đang trên đường sang Trung Quốc.[2]

Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, là Ủy viên Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ, và được phân công trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn (1928), cảnh sát thực dân Pháp gán cho ông vào tội chủ mưu giết người trong vụ ám sát một người hợp tác với chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tên là Phát do các đồng chí của ông thực hiện, đường Barbier (nay là đường Thạch Thị Thanh). Nhờ có một đồng chí trẻ tự nhận là chủ mưu, cùng với sự vận động của một số nhân sĩ trí thức người Việt như bà Trần Thị Cừu, Đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo, nên ông chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo.[3] Có tổng cộng hơn 60 người bị bắt trong vụ án này, theo hồi ký Passion, Betrayal, and Revolution in Colonial Saigon: The Memoirs of Bao Luong, của bà Nguyễn Trung Nguyệt (Bảo Lương).

Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo.

Theo ông Christoph Giebel,[4] giáo sư khoa Sử tại Đại học Washington, Hoa Kỳ và là tác giả cuốn sách nghiên cứu về ông Tôn Đức Thắng ("Tiền bối tưởng tượng của những nhà Cộng sản Việt Nam: Tôn Đức Thắng và chính trị của lịch sử và ký ức" - Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory[5]) cho rằng "không có bằng chứng cho thấy ngay từ thời rất trẻ, thậm chí trước cả thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông Tôn đã hoạt động rất tích cực trong các hoạt động cách mạng tại Sài Gòn", ông Tôn không bị bắt lính sang Pháp năm 1914 mà được tuyển mộ. Trong sự kiện ở Hắc Hải năm 1919, Giebel "tin rằng ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên bất kì con tàu nào của Pháp liên quan vụ binh biến ở Hắc Hải", bộ máy tuyên truyền đã dùng hình ảnh ông Tôn cắm cờ trên một trong những con tàu ở Hắc Hải để kết nối cách mạng Việt Nam với Cách mạng tháng Mười Nga. Trong cuộc đình công ở Ba Son năm 1925, theo Giebel không phải là một cuộc đình công chính trị với mục đích chống đế quốc, và cũng không "giam chân" được chiến hạm Pháp trên đường đến Trung Quốc.[6]

Sau Cách mạng tháng 8

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Ông là Phó ban Thường trực Quốc hội (1946-1955), Quyền Trưởng ban (1948-1955) rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960), tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục các khóa I-VI.

Về mặt chính quyền, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 5 năm 1947-tháng 11 năm 1947); Thanh tra đặc biệt toàn quốc (tháng 8 năm 1947), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1976) và sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976-1980).

Về mặt Đảng, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1947, và khóa II đến khóa IV, nhưng không tham gia bộ chính trị.

Về mặt đoàn thể, ông là Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946-1951), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt (1951-1955), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1977), Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977-1981). (Kế nhiệm ông tại Mặt trận là ông Hoàng Quốc Việt).

Trong các văn kiện của nhà nước Việt Nam, báo chí của Nhà nước, giai đoạn ông làm Chủ tịch nước, tên ông bao giờ cũng được đặt lên đầu, trên cả Tổng bí thư Lê Duẩn và các lãnh đạo khác.

Ông qua đời ngày 30 tháng 3 năm 1980 tại Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tôn_Đức_Thắng http://www.baotangtonducthang.com/cac-phong-trung-... http://www.britannica.com/eb/article-9072847/Ton-D... http://www.findarticles.com/p/articles/mi_qa3686/i... http://books.google.com/books?id=wQN0Ql7uaUQC&dq=%... http://scholar.google.com/scholar?num=100&hl=en&lr... http://depts.washington.edu/history/faculty/giebel... http://jsis.washington.edu/jackson/faccv/f-j/giebe... http://www.washington.edu/uwpress/search/books/GIE... http://www.arts.auckland.ac.nz/FileGet.cfm%3FID=C6... http://www.viet-studies.org/THNghiep_9.htm